Ký ức về ngày 11 - 09 - 2001
Ký ức về ngày 11 - 09 - 2001
Hôm nay là Thứ Sáu, nhưng không phải là ngày 13, nó là ngày 11/9/2015. Ngày này cách đây 14 năm trước, ngày 11/9/2001 rơi vào Thứ Ba.
Gần 14 năm đã trôi qua mọi người vẫn không thể quên 102 phút kinh hoàng, kể từ thời khắc chiếc máy bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào tòa tháp thứ nhất (tháp phía bắc) thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC). Thông tin đựợc cho biết là hành động của 19 tên không tặc cướp 4 máy bay chở khách hiệu Boeing và tấn công vào các địa điểm quan trọng của Mỹ, khiến khoảng 3.000 người tới từ hơn 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng.
Nước Mỹ đã có một ngày đen tối chìm trong đau thương tang tóc của công dân mình. Thế giới đã có một ngày lặng đi với nỗi đau đồng cảm, chia sẻ của những gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ khủng bố. Cái chết của người dân vô tội oan nghiệt trong sự toan tính chiến tranh và hận thù là hồi chuông cảnh báo cho cả loài người.
14 năm trước, tôi 29 tuổi. Nhớ mãi buổi sáng hôm đó cả Hà Nội nhốn nháo, xôn xao. Một ngày chúng tôi vẫn đi làm như mọi ngày và cả cơ quan dường như ai cũng có vẻ rối bời, bần thần với thông tin được coi là vô cùng khủng khiếp. Không ngờ sư kiện xảy ra ở nước Mỹ xa xôi lại tác động đến tâm lý của nhiều người Việt Nam đến thế.
Trưa hôm đó ngay sau giờ nghỉ, tôi cùng cô bạn vào quán cà phê uống nước. Quán đông khách đột xuất, tất cả mọi người đều chụm vào bàn luận.Thấy tôi chăm chú nghe mọi người nói chuyện, một chú lớn tuổi nhìn tôi hỏi:
- Cháu sợ không? Sao ngồi thừ ra thế?
- Vâng, sợ thật. Nhưng vì thương những người dân Mỹ bị chết oan. Sao mà bọn khủng bố ác thế, không còn tính người.
Tôi mới nói được mấy câu như vậy thì có một người đang ông lớn tiếng át đi:
- Bọn trẻ bây giờ nó dở hơi thế đấy. Thương thằng nào lại đi thương thằng Mỹ. Tai họa này đáng gì với chiến tranh Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam. B52 nó toàn ném vào làng, vào nhà dân. Nó phải bị thế thì nhân dân nó mới sợ. Người Mỹ nó gây cảnh chiến tranh đổ máu ở nơi khác, còn dân nó có biết thế nào là chiến tranh đâu. Bọn khủng bố mới là anh hùng. Mỹ phải được dạy bằng những bài học như thế mới đáng đời. Chúng nó phải biết đau thì mới không gây ra nỗi đau....
Tôi chau mày, cảm giác hơi tự ái. Trả tiền và nhanh chóng ra khỏi quán. Tôi thấy ác cảm với những lời lẽ hằn học, hả hê. Ác cảm với một người vô cảm.
Mãi sau này, khi tôi quan tâm hơn đến những thông tin và những vấn đề khác của Việt Nam và trên thế giới. Tôi xem các bộ phim tư liệu và đọc nhiều sách báo về chiến tranh ở Việt Nam, tôi mới nhận ra mình đã sai khi ác cảm với người đàn ông ấy. Lúc đó làm sao mà tôi biết khi một người phải thốt ra những lời oan nghiệt, cay đắng - không phải là vì họ tàn nhẫn hay vô tâm - mà vì họ cũng có ở trong lòng những nỗi đau - nỗi đau tương tự và còn gấp nhiều lần hơn thế.
14 năm sau sự kiện ngày 11/9, tôi đã khác xưa. Giờ đây, tôi đã hiểu nỗi đau mãi luôn là nỗi đau - chẳng thể lấy nỗi đau này bù đắp và thay thế cho nỗi đau khác. Nỗi đau dù có đi với thời gian, trải qua bao nhiêu năm tháng cũng chẳng làm nó mất đi. Thời gian chỉ làm cho nó lắng xuống, ngủ yên và bớt đi nhức nhối. Khi gặp những tác nhân gây ra, hay được gợi lại. nhắc đến thì nỗi đau lại vùng trỗi dậy.
Giá mà tôi được gặp lại người đàn ông ấy để nói với ông rằng " Thưa chú, từ sự cảm thương, chia sẻ với nỗi đau của nhân dân Mỹ trong vụ khủng bố 11/9 mà giờ đây cháu càng thấu hiểu và thương cảm với nỗi đau của nhân dân mình, nỗi đau của từng nhà, từng người trong cảnh chiến tranh bom bạn và chết chóc. Cháu rất ân hận vì đã nghĩ sai về chú khi mà không phân biệt được nỗi đau hiện tại và trong quá khứ. Nỗi đau của cả một dân tộc và nỗi đau của một sự kiện khủng bố. Cháu tin những lời nói của chú là cách xoa dịu nỗi đau của nhân dân mình chứ không phải là sự tàn nhẫn trước nỗi đau của nhân dân nước Mỹ.".
Ôi không, tôi sẽ không nói dài thế đâu, nếu mà có thể gặp lại người đàn ông ấy, thì tôi chỉ muốn nói một lời xin lỗi thôi. Xin lỗi vì tôi bỏ đi khi chú đang nói dở dang về những nỗi đau mà tôi tưởng nó đã đi vào quá khứ ....
0 nhận xét:
Đăng nhận xét